Có thể nhiều người biết về chà bông heo, chà bông cá, chà bông ếch, v.v.. ngon nhưng vừa ngon, vừa thơm lại lạ miệng thì phải kể đến tôm khô chà bông (còn gọi là ruốc tôm khô ở miền bắc hoặc tôm khô cháy). Bởi vị ngọt tự nhiên, vị dai bông xốp của chà bông tôm rất dễ ăn hợp khẩu vị của nhiều người.
Nếu không nói ra chắc chắn nhiều người sẽ nghĩ chà bông tôm được làm từ tôm tươi sống, nhưng thực tế tôm khô vẫn có thể dùng được. Lựa chọn tôm khô bớt đi một công đoạn chế biến, tiết kiệm thời gian mà vẫn đảm bảo chất lượng. Thậm chí nhiều người còn thích vị đậm đà có sẵn từ tôm khô.
Chà bông tôm hay còn gọi ruốc tôm (theo cách gọi ngoài Bắc) dễ ăn, dễ bảo quản nên các bà nội trợ rất chuộng. Ăn với cơm nóng, cơm nguội, các loại bánh hay dùng để nấu canh, nấu súp, cháo đều ngon. Thời gian dự trữ chà bông tôm tùy vào chất lượng và điều kiện. Trung bình có thể để được trong vòng 3 tháng ở điều kiện thường hoặc ngăn mát tủ lạnh.
Muốn làm tôm khô chà bông ngon, các bà nội trợ hay truyền nhau điều kiện tiên quyết: chọn mua tôm khô Cà Mau chính gốc. Đây là loại tôm khô ngon nhất nổi tiếng nhất của vùng đất mũi mà ai ai cũng biết. Con tôm được làm từ tôm bạc đất nên con nào con lấy rất chắc thịt, ngọt mềm tự nhiên. Mà người dân nơi đây lại có nghề làm tôm khô gia truyền, vì thế hương vị có nét đặc trưng không thể trộn lận. Đó chính là mùi thơm hải sản hấp dẫn và độ dai mềm nhất định. Có nguyên liệu tốt đồng nghĩa tỉ lệ % thành công của món ăn khá cao. Vậy giờ chúng ta bắt tay vào thực hiện thôi.
Cách làm chà bông từ tôm khô ngon tại nhà
Nguyên liệu chính đã có nên chỉ cần chuẩn bị thêm nước mắm ngon, đường cát là được. Trọng lượng của tôm sẽ quyết định liều lương của gia vị. Vì chà bông để được lâu nên gia đình nào không có nhiều thời gian có thể làm nhiều để dự trữ. Mỗi lần làm 400 garm đến 500 gram tôm khô khá nhẹ nhàng.
Bước 1: Ngâm tôm khô
Trước khi ngâm nên có bước rửa qua tôm để loại bỏ cát hay tạp chất. Ngâm tôm trong nước ấm khoảng 1 giờ cho tôm mềm, nở ra. Nếu thấy tôm vẫn còn cứng có thể luộc sơ qua. Sau đó, vớt ra để ráo nước.
Bước 2: Gĩa/xay tôm khô
Lấy cối chày rửa sạch, bỏ tôm vào giã mạnh cho nát thịt. Gĩa đều tay đến khi thấy thịt tôm nhuyễn, tơi thì ngừng. Nếu có thời gian, chúng ta nên giã tay vì thịt chà bông sẽ tơi xốp, tạo thành sợi đẹp mắt.
Cũng có thể dùng máy xay để làm nhuyễn tôm, cách này không tốn công sức, tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, để có sợi chà bông đẹp nhất thì chúng ta còn có một mẹo khác. Đó là dùng rá để chà, rá tre hay sắt đều được miễn sao có độ nhám.
Bước 3: Rang chà bông tôm khô
Chọn một chiếc chảo lớn, lòng chảo rộng để rang chà bông. Đun nóng chảo, cho tôm vừa giã vào rang khô. Khi rang chỉ để lửa liu riu, nếu lửa lớn sẽ làm cháy tôm. Đảo đều tay cho đến khi thấy chà bông hơi ráo thì cho nước mắm và đường vào. Liều lượng gia giảm theo khẩu vị và độ mặm của tôm.
Mẹo khi rang là pha sẵn nước mắm đường, quậy thật tan để khi tra vào chảo chà bông gia vị sẽ thấm đều. Thêm vào đó là kỹ thuật miết chảo, dùng thìa hoặc muôi lớn chà mạnh vào thành chảo để thịt tôm bông ra. Tiếp tục rang đến khi tôm khô, chuyển sang màu hơi vàng thì tắt bếp.
Bước 4: Bảo quản tôm khô chà bông
Chà bông lúc này đã ăn được, muốn lưu trữ chúng ta phải đợi thịt nguội hẳn rồi cho vào hũ sạch và đậy nắp thật kín.
Tôm khô rang xong sẽ thành chà bông có mùi thơm của tôm và bông xốp rất kích thích. Màu vàng óng với hương vị đậm đà của món ăn này chỉ nhìn, ngửi thôi cũng đã thấy cuốn hút. Nói chung, từ trẻ con đến người già đều thích chà bông làm bằng tôm khô thì không có lí do gì các mẹ không làm một hũ cho gia đình mình thưởng thức.
Sưu tầm
Viết bình luận