Mực khổng lồ (hay còn gọi là Architeuthis) cho đến nay vẫn là một trong những loài thủy quái bí ẩn nhất dưới đại dương và trên toàn thế giới.
Mực khổng lồ cho đến nay vẫn là loài vật bí ẩn nhất thế giới (Ảnh: NHK)
Được cho là sống ở độ sâu từ 396 đến 914 mét dưới biển, mực khổng lồ sinh sống ở những nơi sâu thẳm nhất, tăm tối nhất trên Trái Đất này. Không một ai biết được tuổi thọ, cách giao phối, di cư, hay cách chúng tạo âm thanh. Nói một cách dễ hiểu, loài vật này cho đến nay vẫn là một ẩn số.
Nhiều tài liệu về di truyền học cho biết niên đại của mực khổng lồ lên tới 730.000 năm về trước. Chúng cũng là nguồn cảm hứng tạo nên nhiều loài thủy quái trong kho tàng truyền thuyết của nhân loại từ cách đây hàng trăm năm, như thủy quái Kraken trong thần thoại Bắc Âu, hay những con bạch tuộc khổng lồ trong tiểu thuyết "Hai vạn dặm dưới đáy biển" của đại văn hào Jules Verne.
Đặc biệt, một trích dẫn trong cuốn "Lịch sử tự nhiên của Na Uy" xuất bản vào năm 1755 đã miêu tả mực khổng lồ có kích thước tương đương với "một số hòn đảo nhỏ" và khi chìm xuống lòng nước, chúng gây ra những xoáy nước đủ sâu để hút mọi người vào trong đó.
Cho đến khoảng 150 năm trước, hầu hết mọi người không nghĩ rằng mực khổng lồ là có thật, mà chỉ là thứ được thêu dệt từ các câu chuyện của thủy thủ. Nhưng những bằng chứng về sự tồn tại của chúng ngày càng trở nên rõ ràng hơn nhờ vào một loài vật khác – cá nhà táng, nhờ những vết sẹo trên cơ thể hoặc phần mỏ của loài mực được tìm thấy trong dạ dày của loài cá này.
Năm 1857, Japetus Steenstrup, nhà động vật học từ Đại học Copenhagen, Đan Mạch, đã lần đầu giới thiệu cái tên mực khổng lồ với cộng đồng khoa học thế giới. Sau khi nghiên cứu một cái mỏ mực bị trôi dạt vào bờ biển nước mình, ông Steenstrup đã công bố nghiên cứu để chứng minh với thế giới rằng mực khổng lồ trên thực tế là có thật. Ông đặt tên cho chúng là Architeuthis Dux, tiếng Latin có nghĩa là "mực chúa".
Mực khổng lồ từng là nguồn cảm hứng tạo nên nhiều loài thủy quái trong truyền thuyết, trong đó có thủy quái Kraken nổi tiếng
Năm 1873, 3 ngư dân ở Vịnh Conception, Newfoundland, Canada bị một con mực khổng lồ cố đánh chìm chiếc thuyền của họ. Họ đã chiến đấu với nó, và con mực đã phải chạy thoát sau khi phóng ra những đám mực đen. Tuy vậy các ngư dân vẫn giữ lại được một đoạn xúc tu dài hơn 5 mét, bằng chứng rõ ràng hơn về sự tồn tại của loài thủy quái huyền thoại này.
Một minh chứng khác cho sự tồn tại mực khổng lồ là xác của chúng thường xuyên trôi dạt vào các bờ biển. Lý do là vì cơ thể của mực chứa đầy các ion amoni, nguyên tố có khối lượng còn nhẹ hơn nước biển, khiến chúng thường nổi lên mặt nước sau khi chết.
Vào năm 1997, Hội Địa lý Quốc gia Mỹ đã cố gắng dựa vào loài cá nhà táng để nghiên cứu về mực khổng lồ. Họ gắn máy quay vào những con cá nhà táng với hy vọng sẽ được chứng kiến khoảnh khắc chạm trán với loài mực khổng lồ của chúng, nhưng đã không thành công.
Bất chấp thành công ban đầu của Streenstrup, rất ít người khác có thể tạo dựng tên tuổi từ việc nghiên cứu mực khổng lồ một mình, bởi vì chúng hiếm khi xuất hiện. Trong số những trường hợp hiếm hoi như vậy có nhà sinh vật học biển người New Zealand Steve O'Shea, người được tờ báo The New Yorker mệnh danh là "Thợ săn mực", và từng có thời được coi như một trong những nhà nghiên cứu mực khổng lồ nổi tiếng nhất thế giới. Ông bắt tay vào sứ mệnh của mình từ năm 1996 đến tận 2011.
Khi được hỏi tại sao có thể kiên trì với việc này, ông cho biết nó xuất phát từ lời thề của ông sau khi bất thành trong việc ghi lại vòng đời của một con mực khổng lồ, từ lúc sơ sinh đến khi trưởng thành.
Nhà sinh vật biển Steve O'Shea đang nghiên cứu mẫu vật mực khổng lồ (Ảnh: Wikimedia)
Một trong những mục tiêu của O'Shea là công bố con mực khổng lồ còn sống trong bể ra trước công chúng. Ông muốn tất cả mọi người, không chỉ riêng các nhà khoa học và ngư dân, được trải nghiệm "sự vĩ đại của những sinh vật này" một cách trực tiếp, thay những hình ảnh được chiếu trên TV.
Năm 2003, O'Shea lãnh đạo một nhóm nghiên cứu trong việc cố gắng ghi lại hình ảnh của loài mực khổng lồ khi chúng di cư vào vùng biển New Zealand. Kế hoạch của ông là nghiền nát các cơ quan sinh dục của loài mực và hòa chúng vào nước để những con mực khổng lồ có thể giao phối ngay trước ống kính máy quay.
Ông cho biết mục tiêu của việc này là có được “những cảnh quay giật gân về quá trình giao phối những con mực khổng lồ.” Song, cuộc thử nghiệm cuối cùng đã thất bại.
Sau đó, vào ngày 30.9.2004, các nhà sinh vật biển Tsunemi Kubodera và Kyoichi Mori đã chụp được bức ảnh đầu tiên về một con mực khổng lồ sống ngoài khơi đảo Chichijima của Nhật Bản, sau khi phát hiện nhiều vết sẹo trên cơ thể những con cá nhà táng sinh sống ở vùng biển này.
Họ hạ một thiết bị có máy quay và mồi nhử xuống độ sâu 914 mét. Một con mực khổng lồ đã tấn công và sử dụng các xúc tu của nó để cuốn lấy miếng mồi như một con trăn. Sau 4 giờ vật lộn để giải phóng các xúc tu của mình nhưng bất thành, con mực đã chết.
Nhà sinh vật biển Tsunemi Kubodera bên cạnh một tiêu bản mực khổng lồ được trưng bày trong bảo tàng Khoa học Quốc gia ở Tokyo, Nhật Bản (Ảnh: Reuters)
Ông Tsunemi cho biết vụ việc đã thay đổi nhận thức về loài mực khổng lồ, từ một sinh vật hiền hòa trở thành kẻ săn mồi nhanh nhẹn của vùng biển sâu.
Sau đó, vào năm 2006, nhóm nghiên cứu của Tsunemi đã công bố video đầu tiên về một con mực khổng lồ còn sống. Nó tương đối nhỏ, chỉ nặng khoảng 50 kg và dài 3,3 mét, nhưng đó là hình ảnh sống động đầu tiên của loài sinh vật này. "Không ai từng nhìn thấy một con mực khổng lồ còn sống trừ những người ngư dân", ông nói với Reuters.
Đến năm 2007, xác một con mực khổng lồ trôi dạt vào bờ biển trên đảo Tasmania, Úc có cân nặng khoảng 250 kg, dài gần 2 m trong khi các xúc tu dài tới gần 8 m, tương đương chiều dài với một chiếc xe buýt. Ông David Pemberton, người phụ trách bảo tàng Tasmania cho biết đây là một trong những con mực lớn nhất từng được phát hiện.
Năm 2012, lần đầu tiên trong lịch sử một con mực khổng lồ được thu hình tại chính môi trường sống của nó ngoài tự nhiên, bằng việc sử dụng một loại máy quay chuyên biệt được thiết kế bởi nhà sinh vật học Edith Widder, có khả năng phát ra ánh sáng màu xanh.
Nhà sinh vật học Edith Widder bên cạnh thiết bị quay phim mực khổng lồ đầu tiên trong lịch sử (Ảnh: AP)
Widder nói với BBC có lẽ có hàng triệu cá thể mực khổng lồ như vậy ngoài các đại dương mới có thể nuôi sống nhiều loại cá nhà táng đến vậy. Chẳng qua do con người làm chúng sợ hãi, nên loài mực này ít khi xuất hiện. Hiểu được điều này, bà đã thiết kế một chiếc máy ảnh không có bộ đẩy hoặc động cơ, và không phát ánh sáng đỏ do nó hoàn toàn vô hình với các loài vật dưới biển, vốn bẩm sinh chỉ thích nghi với việc nhìn thấy ánh sáng xanh.
“Thợ săn mực” Steve O'Shea cũng đã có mặt trong dịp trọng đại này. Ông cũng tuyên bố đây kết thúc quá trình theo đuổi loài vật huyền bí này suốt 15 năm. "Khi người khác có thể kết thúc cuộc chơi bằng việc lưu giữ được hình ảnh tuyệt đẹp nhất về loài vật sống này, những người như tôi không cần phải theo đuổi giấc mơ đó nữa," O’Shea cho biết
Nhiều bằng chứng khác về mực khổng lồ tiếp tục được thu thập vào năm 2016, khi xác của một con mực cái nặng tới 104 kg trôi dạt vào bán đảo Bares ở Tây Ban Nha. Và mới đây nhất, vào tháng 6.2019, một con mực khổng lồ còn sống lần đầu tiên được phát hiện trong vùng biển của Mỹ, ở vị trí khoảng 160 km về phía tây nam bờ biển New Orleans ở Vịnh Mexico.
Xác mực khổng lồ được phát hiện trên bờ biển ở đảo Tasmania (Ảnh: GETTY)
Cho đến nay, con mực khổng lồ lớn nhất từng được ghi nhận có chiều dài lên tới 13 mét, nhưng các nhà khoa học tin rằng chúng có thể đạt chiều dài lên tới 20 mét. Ngoài ra, chúng cũng là loài vật có đôi mắt lớn nhất thế giới, với đường kính lên tới 30 cm, tương đương kích thước một quả bóng rổ.
Mực khổng lồ có 8 xúc tu nhỏ và 2 xúc tu dài để bắt con mồi. Nhưng các xúc tu của chúng không có bất kỳ cơ bắp nào để khống chế con mồi. Vì vậy, nếu phải đối mặt với một con cá nhà táng, chúng chỉ có thể chạy trốn.
Clyde Roper, một thợ săn mực khổng lồ đã nghỉ hưu, nói với BBC rằng nếu bị bẫy toàn bộ các xúc tu, thì mực khổng lồ khó lòng có thể chạy thoát.
Nhưng nhiều thông tin về loài thủy quái này vẫn còn chưa được biết đến, và do nước biển đang ngày càng ấm lên và có tính axit hơn, loài mực khổng lồ đang chết dần chết mòn mà con người không hay để ý.
Tiêu bản mực khổng lồ được trưng bày trong bảo tàng Melbourne, Úc (Ảnh: Getty)
Cho đến bây giờ, chúng vẫn còn bí ẩn khó có thể nắm bắt. Như ông Roper từng nói với BBC, do kích thước và sự đáng sợ của chúng, thật dễ dàng để tưởng tượng chúng là những con thú hung bạo.
"Tuy nhiên, con người vẫn cần những loài quái vật như chúng," ông kết luận.